QHSE - Bốn chữ vàng nâng tầm doanh nghiệp Việt

 Bài 1 : Giới thiệu chung 


Vì sao QHSE có tính tiên quyết, sống còn đối với DN ngoại, nhưng với DN nội thì vẫn còn rất mới mẻ. Thậm chí có rất nhiều doanh nghiệp, doanh chủ của VN hiện nay vẫn chưa từng biết tới QHSE là viết tắt của chữ gì. Khoa gắn bó với nghề này tính đến nay cũng gần 7 năm rồi, xin phép được chia sẻ thêm với các bạn. 


Q = Quality: Chất lượng sản phẩm chính là TRÁCH NHIỆM VỚI KHÁCH HÀNG. Theo quan điểm của ISO, để có sản phẩm chất lượng, một nghìn hay một triệu chiếc như một, thì trước tiên phải có một hệ thống quản lý sản xuất tốt. 

H = Health: Sức khỏe, ngăn ngừa bệnh nghề nghiệp chính là TRÁCH NHIỆM VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG. Đảm bảo giờ giấc làm việc, không bị căng thẳng quá nhiều, môi trường làm việc vui vẻ, gắn kết....

S = Safety: An toàn lao động TRÁCH NHIỆM VỚI NGĂN NGỪA TAI NẠN. Nếu bạn làm việc với các công ty nước ngoài nhiều, các bạn sẽ có thói quen này, bước vào cổng, bất kể là ai, việc đầu tiên là cho vào phòng, đọc, học hướng dẫn an toàn... trước khi được phép làm bất kỳ việc gì tiếp theo. Có một nguyên tắc cứng đi kèm câu slogan rất hay "Không việc gì quan trọng tới mức phải bỏ qua quy định về an toàn“

E = Enviroment: Môi trường, trách nhiệm với môi trường cũng chính là TRÁCH NHIỆM VỚI BẢN THÂN TỔ CHỨC VÀ VỚI CỘNG ĐỒNG. Tức việc nhỏ nhất là phân loại chất thải, đảm bảo môi trường làm việc, cho tới giảm chất thải nhựa, độc hại, đầu tư hệ thống xử lý nước, khí thải, trồng cây xanh, ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo... Rất nhiều việc phải làm.



Tác giả và cộng sự tham gia công tác QHSE tại CJ Food VN


***
Nghe thì thấy hay và ý nghĩa đấy, nhưng để làm tròn 04 TRÁCH NHIỆM này thì phê lắm. Cũng giống như một người phải làm tròn 4 trách nhiệm: Kiếm tiền, Chăm sóc gia đình, Xây dựng tổ chức và Trách nhiệm với Xã hội vậy. 

Chưa biết lợi ích của đầu tư vào QHSE sẽ tới đâu, nhưng nghĩ tới chi phí mua bảo hộ lao động, đầu tư ban điều hành ban đầu, chi phí vận hành, duy trì... thôi là cắn một mớ tiền đáng kể của Doanh nghiệp rồi. Vì lẽ đó mà quá trình chuyển đổi, nâng cấp còn chậm lắm. Nhưng chắc chắn quá trình đó sẽ diễn ra và diễn ra rất nhanh vào thời gian tới, khi quá trình hội nhập ngày càng sâu và các tiêu chuẩn ngày càng cao hơn.


*********************************************************************************

Bài 2: Những lợi ích vượt trội


Tiếp nối bài giới thiệu chung về QHSE hôm qua, hôm nay, mình chia sẻ đến các bạn những lợi ích mang lại từ QHSE, giải thích phần nào vì sao các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nội có quan hệ làm ăn với nước ngoài... xem QHSE là bốn chữ vàng, bốn trụ cột quan trọng có tính bắt buộc xuyên suốt và liên tục. 

Khi dịch bệnh, nếu các bạn chịu khó quan sát, thì những doanh nghiệp có bộ phận QHSE chuẩn chỉnh, hoạt động hiệu quả thì sẽ ít thiệt hại hơn rất nhiều, và họ thích nghi rất nhanh, vẫn duy trì hoạt động là nhờ:
QHSE đã xây dựng một thói quen xuyên suốt về an toàn, sức khỏe và môi trường hàng ngày, không phải đợi đến dịch mới làm. Nhờ đó mà bản thân mỗi người trong tổ chức đều có ý thức rất tốt trong việc tuân thủ. 

Nhân sự QHSE là những bạn chuyên trách, có chuyên môn, được đào tạo, huấn luyện thường xuyên về ứng cứu sự cố trong trường hợp khẩn cấp. Nên khi có biến cố thì nghiệp vụ của các bạn được phát huy rất rõ ràng. Các bạn vào cuộc, tiếp cận thông tin, nghiên cứu các mối nguy, lên các kịch bản ngăn ngừa, phân vùng, đánh chặn... Mọi thứ được triển khai rất nhanh, rất chuẩn xác và rất chuyên nghiệp. Đó là nghiệp vụ của bộ phận chức năng này và người chịu trách nhiệm là QHSE Manager. Ban giám đốc và người chủ không cần phải can thiệp quá nhiều.

***

Lợi ích trong trường hợp bất bình thường là vậy, còn trong điều kiện bình thường thì: môi trường xanh sạch đẹp, người lao động khỏe mạnh, an toàn, vui vẻ, từ đó mà làm việc hiệu năng và bền bỉ hơn, điều kiện công tác tốt, chuyên nghiệp nên cũng gắn bó hơn. 

Về phía khách hàng thì yên tâm hơn rất nhiều. Các bạn thấy nhan nhản ra đó, những phi vụ bảo dưỡng sửa chửa quán bar, khách sạn... để xỉ que hàn bắn tung té rồi gây cháy cả tòa nhà. Các đội sửa chữa điện vì bất cẩn mà gây sự cố điện, làm dừng hoạt động cả một dây chuyền sản xuất lớn... Nguyên nhân của mọi nguyên nhân là do các nhà thầu quá yếu kém về công tác QHSE. Do đó, đối với chủ đầu tư nước ngoài, đặc biệt là châu Âu, Mỹ, G7 thì QHSE là đầu bài có tính tiên quyết cho bất kỳ gói thầu nào. Không đạt về QHSE thì coi như rớt, không cần phải chấm thêm kỹ thuật, giá cả.

***

Lợi ích của QHSE là thế đó, nhưng vì sao rất nhiều DN trong nước vẫn chưa được chú trọng, thậm chí không ít công ty tồn tại hơn chục năm, hơn 100 nhân sự... mà người chủ chưa một lần bận tâm tới bốn chữ vàng này? Ở bài 3, Khoa sẽ phân tích nguyên nhân ha.


*********************************************************************************

Bài 3: QHSE và ISO là họ hàng gì nhau?


Định viết bài số 3 là nguyên nhân vì sao QHSE chưa được áp dụng rộng rãi ở nước ta nhưng vì có một bạn inbox hỏi về mối liên hệ giữa QHSE và ISO nên viết luôn bài này. 
Nhiều bạn nghe về ISO nhưng ít thấy nhắc tới QHSE, vì ISO được dán nhãn khắp nơi. Từ bảng hiệu, hồ sơ năng lực, cho đến web, danh thiếp, sản phẩm... và hầu hết mọi người gắn liền hình ảnh ISO với chất lượng, thấy trên sản phẩm có chữ ISO hay công ty ABC có ISO là tin tưởng về chất lượng. Nhưng thực tế thì chưa hẳn đã vậy.

Thứ 1: Về định nghĩa: 

ISO được viết tắt từ International Standards for Organization - tức là tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn hoá. Hiểu nôm na là, bạn làm một chai nước mắm, bạn cho rằng như thế này là chuẩn, cả xóm bạn ăn thấy ngon và mua ầm ầm ra đó, nổi tiếng cả một vùng. Nhưng mang qua Nhật, Đức, Ý, Anh... người ta cho vào máy phân tích ra đủ thành phần trong đó, nào hàm lượng ure, độ mặn, chất bảo quản... rồi người ta cho là không đạt => chuyển trả hàng về. 
Như vậy sẽ rất bất tiện cho cả 2 đầu cầu, một bên không nhập được hàng hoá để bán, một bên không biết làm thế nào cho đúng. Tương tự bạn có thể tưởng tượng ra có hàng triệu loại sản phẩm trên thị trường thì phải làm thế nào. Chính vì thế mà năm 1947 người ta lập ra bộ tiêu chuẩn này để tiến tới một chuẩn chung cho toàn thế giới áp dụng. Từ hạt gạo cho đến con bulong hay một hệ thống quản lý nhà máy, doanh nghiệp, y tế, môi trường, năng lượng tất thảy đều có tiêu chuẩn hết. Nên ISO nó có hàng nghìn tiêu chuẩn thứ cấp. 

Thứ 2: Về cách hiểu: 

Từ định nghĩa trên, các bạn sẽ thấy tiêu chuẩn chất lượng chỉ là một tiêu chuẩn trong rất nhiều tiêu chuẩn mà phạm vi ISO bao phủ. Và cái các bạn thường nghe nhắc tới chỉ là bộ ISO 9001 mà thôi. Có một lưu ý nhỏ là 9001 chỉ mục đích chứng nhận hệ thống quản lý chứ không chứng nhận chất lượng cho từng sản phẩm, nên một sản phẩm có dán chữ ISO 9001 là hem có đúng với tinh thần tiêu chuẩn và dễ gây nhầm lẫn cho khách hàng, vì thế ISO không ủng hộ gắn chữ ISO 9001 lên sản phẩm. 

***

Như vậy, ngoài ISO-9001 mà truyền thông hay dẫn dắt thì còn hàng hà ISO khác, 14001, 48001, 27001...

***

Còn QHSE cũng như một sản phẩm mà người ta chọn dùng công cụ ISO để tiêu chuẩn hoá, đo lường và đánh giá như bao sản phẩm khác. Có điều QHSE là 4 khía cạnh quan trọng và rộng lớn, xuyên suốt quá trình vận hàng của doanh nghiệp nên có phần vĩ mô hơn.

*** 

Đương nhiên, ngoài tiêu chẩu ISO ra, còn rất nhiều tiêu chuẩn khác, mỗi quốc gia cũng có thể dùng tiêu chuẩn riêng hoặc được thừa nhận lẫn nhau ở một số phạm vi.

*********************************************************************************

Bài 4: Nguyên nhân QHSE chưa được áp dụng phổ biến.


Như đã chia sẻ trong bài 2 về những lợi ích của QHSE mang lại là rất lớn: sự chuyên nghiệp, nhân viên trung thành, khách hàng yêu mến, phát triển bền vững... Nhưng thực tế, dù QHSE được áp dụng phổ biến ở các nước phát triển nhưng lại rất ít được chú trọng trong nước. Bài hôm nay, Mình xin chia sẻ một số nguyên nhân mà mình đúc rút được như sau:

Nguyên nhân đầu tiên 

Đến từ cái gốc của nền nông nghiệp, khi mỗi người, mỗi gia đình được chia cho một diện tích ruộng nho nhỏ, rồi ruộng ai nấy cày cấy. Từ đó, ai cũng biết làm từ A-Z, từ việc ủ giống, sạ, phân, nước cho tới gặt đập... Tất cả đều được làm theo kinh nghiệm, truyền từ đời này qua đời khác, và cũng chỉ quanh quanh với phạm vi thửa ruộng bé bé ấy. Rồi những người con xuất thân từ những gia đình nông dân ngày xưa, họ đi học, trưởng thành và làm doanh nghiệp => bộ gen đó sẽ ảnh hưởng đáng kể vào vận hành doanh nghiệp, dẫn tới cách điều hành cũng theo kinh nghiệm và truyền thống từ A-Z. Và 2 nhân tố này là rào cản lớn nhất của QA.QC, vì kinh nghiệm sẽ phụ thuộc rất nhiều vào con người, mà quản lý thì sợ nhất sự phụ thuộc đó, còn từ A-Z thì rất khó để tách thành các quá trình chuyên biệt để tiến tới chuyên môn hóa, tình tự hóa, máy hóa, => nâng cao năng suất.

Nguyên nhân thứ 2 

Chính là cái bẫy 0-1. Khi khởi nghiệp, bạn founder phải tự làm mọi thứ, từ phát triển sản phẩm, mua vật tư nguyên liệu, sản xuất, quảng bá, bán hàng... đều làm tất. Cứ thế, doanh nghiệp càng ngày càng to lên, phát sinh thêm cái gì thì cứ bổ sung cái đó, mỗi ngày một ít mà không hề được quy hoạch trước... Kết quả là lớn lên một chút thì cồng kềnh lại gấp đôi => mà cồng kềnh thì rất khó quản lý, kiểm soát => nhiều sự vụ phát sinh phải giải quyết, càng nhiều việc không tên, càng rối lắm. Người chủ cứ thế mà bận đầu tắt mặt tối, quần quật cả ngày. Mà bận thì cố, càng cố thì càng bận... càng bận thì càng không tỉnh táo, mà ko tỉnh táo thì đâu tìm ra được cái nguyên nhân của sự bận đâu. Thế là chạy quanh chiếc cọc 0-1 từ năm này qua tháng nọ. Cái số 1 + số 2, khả năng xoay sở, tự làm từ A-Z, nó giúp mọi việc rất dễ bắt đầu, nhưng đến một độ lớn nào đó, nó sẽ trở thành rào cản khủng khiếp cho công tác QA.QC. Mỗi khi người đứng đầu doanh nghiệp chưa chuyển đổi được thói quen này, thì việc triển khai QA.QC sẽ trở bên bất khả thi. Mà các bạn biết rồi đó, giang sơn dễ đổi, bản tánh khó dời. Người ta đã làm việc đó hàng chục năm, đã có những thành công nhất định, bắt đổi là đổi thế nào được.

Nguyên nhân thứ 3 

Chính là sợ phát sinh chi phí. Quần áo bảo hộ, thiết bị phòng cháy, nhân sự giám sát, hệ thống bản biểu, quy trình... lúc nào cũng trông nặng nề, phức tạp, tốn kém... mà thoáng qua thì thấy chỉ thuần chi, không thấy cấu thành cái gì trong sản phẩm cả... Làm chưa chắc đã tốt hơn nhưng chắc chắn sẽ tốn hơn, xưa nay không làm thì mọi thứ vẫn ổn mà. Nên thực sự rất khó mà một doanh nghiệp chủ động quyết liệt triển khai QHSE, hầu hết đến từ yêu cầu của các chủ đầu tư chuyên nghiệp, họ bắt phải tuân thủ thì mới tuân thủ thôi. Còn tự nhiên thì vẫn cứ xuề xòa ra đó.
Tất nhiên còn nhiều nguyên nhân khác, như các quy định pháp luật và sự giám sát của chúng ta vẫn chưa đủ chặt. Khách hàng chưa đủ "khó tính" để áp dụng các yêu cầu... 

Vì thế mà người ta chỉ cần phát hiện một con bulong bị văng ra ngoài, họ dừng cái máy, điều tra nguyên nhân, đánh giá sự việc... còn mình, ông sếp đi ngang, thấy con bulong thì bảo cái gì đây, quát thằng lính một phát, cho vặn vào là xong 🙂 rồi bước đi như một cơn gió thoảng qua 🙂. Nên người ta làm 1 triệu chiếc như 1, còn mình làm 10 con trắng đã có 1 con lấm lem ròi 🙂 Ròi vì cái con lấm lem đó mà khách hàng, cấp trên, cấp dưới, bộ phận này, bộ phận nọ, đỗ qua đỗ lại, ôm đầu cãi nhau cả ngày... mất năng suất, mất đoàn kết, chán nản tũng từ đó mà ra 🙂


@khoatiger


*********************************************************************************

************

Nội dung chỉ vì mục đích thông tin,
Bài viết không chiu trách nhiệm sao chép hoặc email.

************

Các nguồn kiến thức tổng hợp sử dụng trong bài viết :
- Tác giả Tuấn Trần
- QHSE Vietnam

************





Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Crypto - mùa đông 2021 chăng ?

AI 24

Steemit – Mạng xã hội Blockchain, kiếm tiền cho Blogger