Purpose - Mục đích sống
Mấy hôm nay liên tục đọc bài của McKinsey và báo Inc về " The Great Resignation - cơn đại hồng thủy nghỉ việc hậu Covid". Phần lớn các lý do đều trỏ về chữ Purpose - Mục đích sống. Covid, có lẽ là cuộc vỡ trận khủng khiếp nhất cấp hành tinh về nhiều mặt, cả kinh tế lẫn xã hội thế giới, nhưng cơn khủng hoảng rúng động nhất với mỗi người có lẽ không phải chỉ trên bề mặt, chỉ cái ăn cái ở, mà nó bắn một mũi xuyên cái tâm của mọi sự tồn tại - Why - tại sao tôi sinh ra và bước đi trong cuộc đời này ?
Thay đổi vì bản thân là chìa khoá của nhận thức và bài học mà Covid đã dạy cho. Nếu không phải là lúc này, liệu có còn cơ hội khác? - Vịnh Vĩnh Hy - Ninh Thuận. |
Cuộc Di Dân " Sự Nghiệp " Hậu Covid ?
Mọi sự ồn ào bỗng hoá lặng câm. Mọi lẽ đương nhiên bỗng trở thành điều không thể. Mọi sự hiển nhiên ta vẫn lướt qua mỗi ngày và chắc chắn nó sẽ luôn ở đó, bỗng không còn. Mọi thứ vẫn ngỡ là “thiết yếu” bỗng trở nên không mấy liên quan. Và con người, bỗng ngơ ngác quay về với những điều đơn giản nhất - why - cuối cùng ta sinh trên đời là để làm chi? Cuối cùng, đâu mới thật sự là điều quan trọng nhất? Con người có đó mất đó. Tiền bao nhiêu, danh vọng ra sao, thị phi thế nào cũng chẳng cứu được những hơi thở mong manh. Lần đầu tiên, con người cảm thấy bất lực, bối rối về khái niệm quyền lực, những tưởng ta thông minh, có thể giật dây thao túng cả thế giới này. Và họ bắt đầu đặt câu hỏi, chẳng lẽ con người thật ra chả là gì so với con vi rút? Chẳng lẽ thật ra cuối cùng ta chẳng kiểm soát được cái chi chi? Chẳng lẽ hơi thở của chính mình ta còn không làm chủ được hay sao? Chẳng lẽ hành trình xây vạn lý trường thành từ trước đến nay, cuối cùng chỉ là giấc nam kha, tỉnh ra mới thấy còn tỉnh mới là may mắn? Chẳng lẽ….. chẳng lẽ…..?
Chưa bao giờ con người bị ép đến đường cùng, bắt buộc phải nghĩ về những điều cơ bản nhất - ý nghĩa sự tồn tại của một bản thể bất lực. Hay là, nó đẩy người ta vào một cái hố chung, không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt vị thế, quyền lực, thành tích hay danh vọng. 1 cái mạng là 1 cái mạng. Hơi thở ai cũng giống như ai. Còn, là sống. Không còn, là chết. Sự thật đơn giản và nghiệt ngã đến tận cùng đó khiến cho con người hoảng hốt. Một rổ kim cương hay chiếc áo sờn vai rồi cũng không thoát khỏi quy luật tạo hoá - sinh lão bệnh tử vốn đã vận hành thế giới này từ mấy ngàn năm. Covid đã khiến người ta bị đẩy vào thế “nhận ra”, và nhận ra chính là điểm khởi đầu tái tạo nhất của hành trình tìm về với ý nghĩa của những ngày còn ở đây trên cõi tạm. Vậy, thì mình sẽ làm gì với những ngày còn thở? Tiếp tục làm quần quật cho đến khi kiệt sức? Tiếp tục hy sinh cuộc đời vì mấy đoạn lên lương? Tiếp tục đua chuột cho ai đó ha hả vỗ đùi? Tiếp tục cúi đầu làm những thứ ghét cay ghét đắng vì hai chữ “mưu sinh” đầy cay nghiệt?
Dù câu hỏi là gì, câu trả lời cũng không thể quay về với với sự do dự, cam chịu, với cái dây trói an toàn đã khoá chân con người những thập kỷ qua. Covid và nỗi sợ hãi “nhận ra” đã cho loài người sức mạnh để làm những điều không thể. Họ cần một mục đích sống. Họ cần ý nghĩa. Họ cần tìm ra giá trị của một sinh linh trong hành trình có đến có đi. Họ hiểu hơn về tính tạm thời của mọi phần thưởng mà xã hội vật chất đặt ra. Giờ thì họ đã tận tường, sự sống chỉ gói gọn trong vài hơi thở. Cho nên, làm cũng được, sống cũng vậy. Sao cũng chỉ cần được tâm an, vui vẻ, hạnh phúc với bản thân và với cuộc đời. Thời gian có hạn, trần gian giới hạn, cuộc đời rồi chỉ là khoảng cách ở giữa của đến và đi. Nếu có thể, họ muốn tìm thấy một nơi không phải chỉ để làm, để bán sức lấy vài đồng, để lao vào cuộc chiến tranh hạt bụi. Mục đích cá nhân, giá trị tổ chức, làm sao để hành trình làm việc trở thành đóng góp của mỗi người vào những điều larger than life - to lớn hơn một cuộc mưu sinh?
Khủng hoảng cá nhân qua Covid, khủng hoảng về giá trị nhân sinh chính là lực đẩy vỡ bờ để tổ chức phải nghiền ngẫm và hành động về mục đích, văn hoá và giá trị, nếu muốn giữ chân nhân tài trên một hành trình rất khác hậu Covid. Covid đẩy con người vào thế phải tư duy lại, và đó cũng là nơi họ bình thản mỉm cười với những nỗi sợ hãi của quá khứ, nơi ánh sáng cho người ta sức mạnh dũng cảm để chuyển hoá bản thân, nơi bắt đầu của hành trình là mình dù sự nghiệp có ra sao, sống thật hơn với giá trị của chính mình, hạnh phúc hơn với những điều đơn giản nhất. Cuộc di dân là dễ hiểu. Lựa chọn lại là chuyện đương nhiên.
Thay đổi vì bản thân là chìa khoá của nhận thức và bài học mà Covid đã dạy cho. Nếu không phải là lúc này, liệu có còn cơ hội khác?
************************
khoatiger
************************
Bài viết tham khảo nguồn của tác giả
Nguyễn Phi Vân.
Nhận xét
Đăng nhận xét