You - Đối diện cái chết, bạn nương tựa vào đâu ?
Bài viết sau 100 ngày ở trong nhà không ra đường, để Sài gòn thích ứng với đại dịch Covid-19, từ 20/6 đến 1/10/2021.
Thời gian đại dịch gần đây, chúng ta mới thấy đời sống con người mỏng manh đến thế nào. Một người có thể đang nói cười, 2 hôm sau đã trở thành hũ tro cốt.
Thật ra, mạng sống vốn dĩ đã mong manh như vậy, chỉ là ta không có thời gian suy ngẫm. Một cú trượt chân, một con rết nhỏ, hay một con virus bé xíu cũng dễ dàng lấy đi mạng sống của một người...
Nhưng ngày thường, phần lớn mọi người đều nghĩ mình sẽ sống lâu. Rằng tai nạn đó, căn bệnh nan y đó xảy ra với ai đó xa xôi mà không đến lượt mình. Con người ta bận rộn với đời sống hàng ngày, với công việc, với những thú vui, những trò giải trí mà không có thời gian suy nghĩ, chuẩn bị cho sự kiện quan trọng bậc nhất của đời mình: cái chết
Ảnh minh họa một vòng tròn sinh tử |
Chúng ta có thể dành một tuần để chuẩn bị cho một buổi tiệc sinh nhật, một tháng để chuẩn bị cho đám cưới nhưng mấy ai dành một ngày để suy ngẫm về cái chết của bản thân?
Rồi đến những ngày đại dịch này, chúng ta buộc phải dừng guồng quay đó lại. Chúng ta phải dừng làm việc, dừng những buổi tiệc tùng chơi bời, phải giam mình trong căn nhà hàng tuần. Nhiều người sẽ cảm thấy hoang mang, cảm nhận được một tương lai mơ hồ và sự sợ hãi.
Tại sao chúng ta sợ hãi, hoang mang? Vì chúng ta thiếu đi điểm tựa tinh thần vững chắc.
Khi đối diện cái chết, ta sẽ nương tựa vào đâu?
Đối với nhiều người, đơn thuần là họ không có điểm tựa nào cả. Cuộc sống của họ cứ theo quán tính mà trôi đi, đến một ngày giông bão kéo đến, họ sẽ bị quật ngã như một thân cây mục ruỗng. Bởi vì, bên trong họ vốn đã vậy, trống rỗng, không niềm tin, không mục đích sống. Như một thân cây trống hoác bên trong.
Một số người lại điền vào khoảng trống đó bằng những thứ mỏng manh không kém.
Có người nương tựa vào tiền bạc. Họ dành cả cuộc đời để tích lũy của cải. Mỗi khi sợ hãi họ lại vùi đầu vào công việc, vào việc kiếm tiền.
Có người nương tựa vào quyền lực. Họ chỉ an tâm khi trèo lên cao hơn. Ở vị trí mới họ lại thấy sợ hãi và tiếp tục trèo lên...
Có người nương tựa vào những mối quan hệ. Họ kết giao càng nhiều càng tốt, họ trộn lẫn vào đám đông, làm vui lòng đám đông để cảm thấy bản thân được bảo vệ.
Có người lại nương tựa vào thân bằng quyến thuộc. Có người nương tựa vào con cái. Có người nương tựa vào vợ, chồng...
Liệu một ngày cái chết đến, những thứ ấy có bảo vệ được ta? Tôi nhớ câu chuyện một phụ nữ ở Trung Quốc cầm một bao tiền vứt khắp nơi trong bệnh viện. Bà ấy vừa vứt vừa than rằng: "tiền để làm gì? Tiền để làm gì?" , Bởi vì bác sĩ vừa thông báo rằng căn bệnh của bà ấy không có cách nào chữa được. Bà ấy sẽ chết trong thời gian ngắn nữa.
Rồi bệnh tật, thiên tai đến, người khác có chịu đau đớn thay được cho ta? Có chết thay được cho ta? Trong dịch bệnh. thiên tai, thân bằng quyến thuộc có bảo vệ được bản thân họ? Nói chi là đến ta?
Đức Phật dạy rằng, hãy nương tựa nơi chính mình, hãy là hòn đảo cho chính mình, hãy là ngọn đèn cho chính mình.
Để đối diện với cái chết, với thảm họa. Không gì hợp lý hơn là hãy quay vào bên trong của mỗi người. Nương tựa vào những giá trị cao cả hơn cái chết.
Một người lính mang trong mình lý tưởng giải phóng dân tộc sẽ không sợ hãi trước cái chết.
Một người có đức tin vào thượng đế. Vì rằng họ sống tốt, họ sẽ được lên thiên đàng. Người đó sẽ không sợ hãi trước cái chết.
Một người phật tử tin vào nhân quả. Họ tin rằng vì đã sống tốt, sau khi chết họ sẽ tái sanh vào một đời sống tốt đẹp. Người đó sẽ không sợ hãi trước cái chết.
Chưa bàn đến đúng sai, rõ ràng những người này đã có một lựa chọn thông minh hơn. Đó là nương tựa vào những giá trị vượt trên cả cái chết.
Phật giáo có khái niệm Quy Y Tam Bảo. Tức là nương tựa nơi tam bảo.
Một người nương tựa vào Đức Phật vì có niềm tin vào một thực thể có trí tuệ cao nhất trong vũ trụ này.
Một người nương tựa vào Phật Pháp vì họ tin vào con đường, mục đích giải thoát khỏi khổ đau, khỏi cái chết mà thực thể trí tuệ ấy đã chỉ ra.
Một người nương tựa vào Chư Tăng vì họ tin tưởng vào những học trò của Đức Phật, những người đã thực hành và đạt được mục đích tối thượng ấy.
Ngày hôm nay, nếu bản thân ta cảm thấy sợ hãi trước một thế giới hỗn mang. Cảm thấy hoang mang, mơ hồ. Hãy tự hỏi bản thân: đứng trước cái chết, ta nương tựa vào đâu? Bởi vì, biết đâu ngày mai thôi ta sẽ chết?
Sài gòn
***************************
khoatiger
***************************
Nhận xét
Đăng nhận xét